Kí tên kiến nghị điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn bạo lực -quấy rối tình dục

Kí tên kiến nghị điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn bạo lực -quấy rối tình dục

Started
March 19, 2019
Petition to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt Nam
Signatures: 27,928Next Goal: 35,000
Support now

Why this petition matters

Started by Nguyet Ha

KIẾN NGHỊ BỔ SUNG VÀ ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NHẰM PHÒNG CHỐNG MỘT CÁCH HIỆU QUẢ QUẤY RỐI VÀ BẠO LỰC TÌNH DỤC

Kính gửi: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt Nam

Chúng tôi, các công dân, nhóm và tổ chức tại Việt Nam đồng ý kí tên vào thư kiến nghị này đề xuất Quốc Hội Việt Nam xây dựng các quy định pháp lý và chính sách mới để ngăn ngừa bạo lực tình dục bao gồm nhưng không giới hạn trong các hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục, dâm ô, cưỡng dâm và hiếp dâm.

Chúng tôi nhận thấy, hiện nay nhiều quy định về các tội danh liên quan đến tình dục chưa đầy đủ, tiềm ẩn nguy hiểm cho sự sức khoẻ, sự an toàn về thân thể cũng như nhân phẩm của công dân; các chế tài xử phạt tội phạm chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm không đạt hiệu qủa giáo dục và răn đe; thiếu các cơ chế bảo vệ nạn nhân, cụ thể như sau:

Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật đầy đủ và hiệu quả về quấy rối tình dục (QRTD):

Không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi QRTD trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quy định cấm QRTD chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động trong khi hành vi QRTD diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, kể cả trên các phương tiện giao thông, chứ không chỉ ở nơi làm việc và với các mối quan hệ xã hội đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ công việc.

Bộ Luật Hình sự không có quy định xử lý các hành vi QRTD xâm phạm nhân phẩm của cá nhân.

Các quy định về một số tội danh tình dục nghiêm trọng còn mơ hồ.

Các quy định trong Luật Hình sự về tội phạm tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô rất mơ hồ và thiếu cụ thể nhưng Tòa án tối cao không có văn bản hướng dẫn và Thẩm phán ở Việt nam lại không có chức năng diễn giải pháp luật. Ví dụ, điều 146 Bộ Luật Hình sự, thiếu quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.

Biện pháp xử phạt QRTD không nghiêm khắc và không tương xứng

Biện pháp xử lý hành vi QRTD không cấu thành các tội hình sự liên quan đến tình dục hiện nay chỉ sử dụng quy định tại Điều 5 “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” của “Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình” với mức xử phạt tối đa là 300 ngàn đồng.

Quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi quấy rối tình dục không hợp lý:

Không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi QRTD. Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Dân sự đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân quấy rối tình dục. Bởi vì luật quy định mức tối đa của khoản bồi thường khi không thể thỏa thuận được chỉ là 10 tháng lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Hậu quả là chúng tôi không thấy công lý và lẽ phải được thực thi trong các vụ việc liên quan đến bạo lực tình dục, chẳng hạn như:

Thầy giáo “sờ mông sờ đùi” nhiều học sinh lớp 5 không đủ căn cứ cấu thành tội dâm ô vì không phù hợp với quy định về tội dâm ô trong Bộ luật hình sự.

Thủ phạm cố tình tấn công để hôn một cô gái trong thang máy khu chung cư Gold Palm chỉ bị lập biên bản xử phạm 200 nghìn đồng theo điều 5, Nghị định 167.

Nghi phạm hiếp dâm trẻ em nữ 9 tuổi, gây hậu quả nghiệm trọng, có tiền án hình sự được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc Hội nhanh chóng bổ sung và điều chỉnh các điều luật phù hợp để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục và giành lại công lý cho các nạn nhân. Trong đó:

1.  Có các quy định rõ ràng, chính xác về QRTD; có các các chế tài và biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi QRTD để đảm bảo mọi hành vi bạo lực tình dục đối với nạn nhân ở bất cứ độ tuổi, giới, và xu hướng tính dục nào nào cũng đều phải bị trừng phạt thích đáng; có cơ chế hiệu quả trong việc xử lý tố cáo, thực hiện điều tra, truy tố thủ phạm và bảo vệ cho nạn nhân trong các vụ việc QRTD

2. Sửa đổi Bộ luật Hình sự, thêm tội danh mới về QRTD theo đó quy định các hành vi “QRTD mang tính chất thể chất như cố tình động chạm, tiếp xúc, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn trái ý muốn của nạn nhân hoặc bằng vũ lực; QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục, bằng những lời đề nghị về tình dục không mong muốn và liên tục; QRTD bằng các hành vi phi lời nói bao gồm các ngôn ngữ cơ thể, khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm, tin nhắn, thư từ liên quan đến tình dục” là những yếu tố cấu thành tội phạm QRTD.

3.  Sửa đổi Bộ luật dân sự, có quy định về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi QRTD tương xứng và phù hợp.

4. Rà soát, sửa đổi và giải thích rõ các điều luật liên quan đến hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô phù hợp để việc áp dụng và thực thi pháp luật trong thực tiễn hiệu quả và gần với công lý nhất. Ngoài ra, các quy định về các tội danh về dâm ô phải được mở rộng đến mọi độ tuổi. Những hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng.

Các nhóm, tổ chức, mạng lưới cùng tham gia ký tên:

  1. Funfreedom - Tính nữ đỉnh cao
  2. Hate Change - Nhóm thúc đẩy Phong trào xã hội phi bạo lực
  3. Human Rights Space - Nhóm Không gian Nhân quyền 
  4. Mạng Giới và Phát triển Cộng đồng (GENCOMET)
  5. Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới Việt Nam (GBVNet)
  6. Mạng lưới về Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR)
  7. Save NET - Nhóm thúc đẩy Tự do ngôn luận trên Internet
  8. TUVA Communication - Sáng kiến hỗ trợ truyền thông cho các tổ chức xã hội
  9. Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình -Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
  10. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI)
  11. Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD)
  12. Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP)
  13. Tổ chức NYNA (Nữ Yêu Nữ Association)
  14. Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE)
  15. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)
  16. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)
  17. WEQUAL - Nhóm làm việc mở vì Công lý giới và Tự do lựa chọn

 

 

Support now
Signatures: 27,928Next Goal: 35,000
Support now
Share this petition in person or use the QR code for your own material.Download QR Code

Decision Makers

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt Nam